Văn hóa Nam-Bắc_triều_(Trung_Quốc)

Tư tưởng học thuật

Cứu tế đồ trong hang đá Vân Cương, chịu ảnh hưởng của tư tưởng Phật giáo.

Sau khi địa vị độc tôn của Nho học bị phá vỡ dưới thời Tấn, đến thời nam Bắc triều đã hình thành đa nguyên hóa tư tưởng. Trong nhiều lưu phái tư tưởng, xuất hiện các quan điểm có giá trị như việc dùng pháp trị quốc, chủ trương vụ thực cầu trị (theo Tào TháoGia Cát Lượng thời Tam Quốc, Vương Đạo thời Đông Tấn) và "vô quân luận" (theo Bào Kính Ngôn thời Đông Tấn), "thần diệt luận" (Phạm Chẩn thời Lương), đề xướng "người chết thì thần hết" (Hình Thiệu của Bắc Ngụy và Phiền Tốn của Bắc Tề); song cũng sản sinh ra suy đồi tiêu cực, thoát khỏi tư tưởng trước đó.[96] Tư tưởng huyền học có ảnh hưởng lớn nhất, huyền học rất hưng thịnh tại Nam triều, thời Lưu Tống Văn Đế đặt ra "huyền học quán", huyền học với sử, văn, nho cùng được liệt vào tứ học, "thanh đàm" thêm thịnh. Đến thời kỳ Lương Vũ Đế, cổ vũ đề xướng kinh học, song kinh học vào thời kỳ này chịu ảnh hưởng của thanh đàm, chỉ chú trọng vào giảng giải biện luận. Sau khi triều Tùy thống nhất Trung Quốc, "thanh đàm" dần dần suy thoái, đến trung kỳ triều Đường thì kết thúc.[97] Do ở vào thời kỳ Phật giáo quá độ giữa phát triển và suy sụp, xuất hiện không ít nhà tư tưởng phản đối quá độ sùng Phật như Phạm Chẩn của Lương, Hình Thiệu của Bắc Ngụy và Phiền Tốn của Bắc Tề, tư tưởng của họ sản sinh ra vô thần luận.

Phạm Chẩn là nhân sĩ Nam Tề-Lương, vào năm 489 trong yến tịch của Cánh Lăng vương Tiêu Tử Lương, ông phát biểu phản đối thuyết nhân quả báo ứng của Phật giáo, nhận định rằng linh hồn không tồn tại. Quan điểm của ông chủ yếu là "biến hóa đích hình nhất nguyên luận" theo thuyết duy vật, nhận định thân thể và tinh thần đều là vật chất, toàn thể vũ trụ là một chuyển động biến hóa vật chất.[98] "Thần diệt luận" xử lý các chủ đề "thể", "dụng", "biến hóa", "quan hệ"; hoàn chỉnh khái quát "duy vật bản thể luận" nhằm xử lý phạm trù chủ yếu.[99] Tác phẩm nổi tiếng của Phạm Chẩn có "Thần diệt luận", hay "Đáp tào xá nhân" để trả lời phái phản đối Tào Tư Văn. Luận điểm của ông rút ra từ triều dã, Tào Tư Văn sáng tác "Nan thần diệt luận", Tiêu Sâm dẫn cố sự "Đỗ bá quan cung" và "Bá hữu bị giới" để bác lại. Lương Vũ Đế là người tin theo Phật giáo, ông triển khai luận chiến, sáng tác "Sắc đáp thần hạ thần diệt luận", lệnh cho Phạm Chẩn phải từ bỏ quan điểm. Lương Vũ Đế tổ chức hơn 60 tăng tục công bố văn chương nhằm tiến hành vây đánh Phạm Chẩn, gây ra đại chiến lý luận về "thần" diệt hay bất diệt trong giới tư tưởng, cuối cùng Phạm Chẩn bị phán là "dị đoan" và bị lưu đày.

Các nhà tư tưởng Hình Thiệu hay Phiền Tốn ở Bắc triều chủ trương "vô thần luận". Hình Thiệu là nhân sĩ hậu kỳ Bắc Ngụy và sơ kỳ Đông Ngụy, đương thời Phật giáo được hoàng thất Tiên Ti đề xướng mà trở nên hưng thịnh. Ông phản đối "thần bất diệt luận", chủ chương người chết thì linh hồn sẽ biến mất,[100] phủ định lý luận người chết là quỷ; ông còn chủ trương "loại hóa luận", chỉ có sự vật đồng lỗi mới có thể chuyển hóa; sự vật bất đồng loại thì không thể chuyển hóa.[101] "Loại hóa thuyết" cho thấy tính đa nguyên và tính sai khác của các loài.[102] Tư tưởng của Hình Thiệu và các cuộc tranh luận giữa ông với Đỗ Bật về các vấn đề như luân hồi đều được ghi chép trong "Bắc sử- quyển 55- Đỗ Bật truyện" và "Bắc Tề thư-Đỗ Bật truyện". Phiền Tốn là người Bắc Tề, năm 554 Bắc Tề Văn Tuyên Đế muốn lập đàn tế trời ở Thiện Thái Sơn, Phiền Tốn khuyến gián với Hoàng đế, nói rằng Đạo giáo, thần tiên đều là do bịa ra.[103]

Nhan Chi Thôi là người Lương, sau bị buộc phải làm quan cho Bắc triều. Ông chủ trương tảo giáo, nhận định "con người khi còn nhỏ, tinh thần chuyên nhất; sau khi lớn lên, tư tưởng phân tán, không dễ dàng mà học tập". Ông soạn "Nhan thị gia huấn", có ảnh hưởng sâu rộng đến xã hội Trung Quốc vào sau này, hậu thế xem đây là tác phẩm khuôn mẫu đối với gia huấn,[104] được học giả Nho gia và môn đệ Phật giáo xem trọng.[105]

Văn học

"Sơn trung tể tướng" Đào Hoằng Cảnh

Văn học thời kỳ Nam Bắc triều phát triển nhanh chóng, trong đó phong cách Nam triều mang thiên hướng hoa lệ tinh tế, còn phong cách Bắc triều mang thiên hướng hào phóng thô khoáng. Các nhân vật đại biểu của văn học Bắc triều là "Bắc địa tam tài": Hình Phóng, Ngụy Thu, Ôn Tử Thăng. Ở Nam triều, đại biểu văn học là Biền Văn, quan tâm tới cách luật, văn chương, sử dụng điển cố. Nội dung phần nhiều thoát ly sinh hoạt thực tế, biểu đạt một chút phú quý nhàn sầu, văn chương của Dữu Tín là đại biểu. Phong cách thơ thịnh hành là Nguyên Gia thểVĩnh Minh thể, Nguyên Gia thể là dại biểu cho phong cách thơ những năm Nguyên Gia (424-453) thời Lưu Tống, các nhân vật đại biểu là "Nguyên Gia tam đại gia": Tạ Linh Vận, Nhan Diên ChiBào Chiếu. Thành tựu trung của họ là đưa thơ cổ thể phát triển đến giai đoạn hoàn toàn thành thục, đồng thời chú ý đến vận dụng thanh luật và đối ngẫu, cũng đồng thời dần phát triển đến thơ cận thể.[106] Vinh Minh thể còn được gọi là thơ tân thể, là một loại thể thơ hình thành vào những năm Vĩnh Minh (483-493) thời Nam Tề Vũ Đế,[107] được truyền cảm hứng từ âm học Phạn, đặc biệt là tiếng tụng đọc kinh Phật. Chu Di phát hiện ra rằng tiếng Hán có bốn loại thanh điệu: bình, thượng, khứ, nhập; soạn ra "tứ thanh thiết vận vận". Thi nhân Thẩm Ước lại căn cứ theo cách lý giải của mình đối với bốn thanh điệu, soạn ra "tứ thanh phổ". Những người như Vương Dung là những người thúc đẩy, đồng thời tiến hành thử nghiệm trong sáng tác, "Vĩnh Minh thanh luật luận" cực thịnh một thời. Thi nhân Vĩnh Minh trong thơ cố gắng đạt đến "nhất giản chi nội, âm vận tận thù; lưỡng câu chi trung, khinh trọng tất dị",[108] tránh những điều gọi là bát bệnh (bình đầu, thượng vĩ, phong yêu, hạc tất, đại vận, tiểu vận, bàng nữu, chính nữu), do vậy sản sinh ra Vĩnh Minh thể,[109] là nguồn gốc của cách luật thi thời Đường. "Từ-Dữu thể" của Từ SiTừ Lăng của Nam triều Trần và Dữu Tín của Bắc Chu có văn chương diễm lệ, cũng rất nổi tiếng.[110] Giang YêmBào Chiếu đều được gọi là đại gia từ phú Nam triều; "Hận phú" và "Biệt phú" của Giang Yêm, "Vu thành phú" và "Vũ hạc phú" của Bào Chiếu đều được gọi là tuyệt xướng từ phú Nam triều. Giang Yêm trong ngục đã viết "nghệ Kiến Bình vương thư" mang phong cách phấn chấn mạnh mẽ, không cao không thấp, trong đó thể hiện tình cảm chân thực. "Giang Lăng tài tận" là chỉ tình hình Giang Yêm giảm thiểu sáng tác vào những năm cuối.

Về mặt trường thi tự sự thì "Mộc Lan thi" của Bắc triều và "Khổng tước đông nam phi" của Nam triều là đại biểu. Về dân ca, do văn hóa Nam Bắc triều bất đồng, nên thể hiện sắc thái và tình điệu không giống nhau. "Nhạc phủ thi tập" có thuyết pháp "diễm khúc hưng vu Nam triều, Hồ âm sinh ư Bắc tục". Tiểu thuyết chịu ảnh hưởng của danh sĩ thanh đàm, thúc đẩy sự xuất hiện của tiểu thuyết dật sự, có thể phân thành "tiểu thuyết chí quái" và "tiểu thuyết chí nhân". "Thế thuyết tân ngữ" của Lưu Nghĩa Khánh khá nổi tiếng, cung cấp một lượng lớn điển cố và thành ngữ cho các tác phẩm văn học hậu thế. Đạo giáo có ảnh hưởng đến nghệ thuật và khoa học của Trung Quốc, như văn học "du tiên thi", miêu tả sự huyền nhiệm thần tiên phiêu dật hoặc dựa vào đàm luận về thần tiên để biểu đạt cảm xúc. Danh sĩ Đạo giáo Đào Hoằng Cảnh, Lục Tu Tĩnh đều những bậc anh tài trong văn học thần tiên. "Ngọc đài tân vịnh" là do Trương Lệ Hoa (phi tử của Trần Hậu Chủ) biên soạn và ghi chép,[111] chủ yếu ghi lại những sáng tác khuê tình nam nữ.

Về mặt nghiên cứu văn học, "Văn tâm điêu long" của Lưu Hiệp trở thành kiệt tác lý luận văn nghệ có hệ thống đầu tiên của Trung Quốc, chủ trương văn phong thực dụng, phản đối văn phong hoa mỹ không thực dụng. Trưởng tử Tiêu Thống của Lương Vũ Đế tổ chức văn nhân biên tuyển "Chiêu Minh văn tuyển", là một bộ thơ văn tổng hợp cổ nhất còn lưu trữ được của Trung Quốc, vào thời Đường ngang với Ngũ Kinh, một thời cực thịnh. Hai bộ kiệt tác này có ảnh hưởng sâu rộng đối với sự phát triển của văn học Trung Quốc sau này.[112] "Thi phẩm" của Chung Vanh cũng là một tác phẩm chuyên khảo trọng yếu, khai sáng thể chế thi luận, thi bình của Trung Quốc cổ đại. Tác phẩm này tập trung vào thơ ngũ ngôn từ thời Hán đến Lương, xác định nguồn gốc phong cách văn chương, một phái học "Thi Kinh", một phái học "Sở Từ". Tuy nhiên việc bình phán tam phẩm quá khiên cưỡng, như hạ phẩm Tào Tháo, trung phẩm Đào Tiềm, Kê Khang, Tào Phi ngày nay lại được đánh giá khá cao.[113]

Sử học

"Tiên Ti đầu" với vân rồng thời Nam Bắc triều

Nam Bắc triều kế thừa chế độ đặt chức quan viết sử từ thời Hán. Lưu Tống đặt ra "trứ tác quan" (quan danh và phân chức của Nam triều nhiều lần cải biến), phụ trách soạn viết quốc sử và ghi chép về cuộc sống hàng ngày của đế vương. Nam triều bắt đầu có phân chia giữa quốc sử và sử của tiền triều. Bắc Ngụy cũng đặt "trứ tác quan" và "khởi cư lệnh sử", khiến quan viết sử và quan viết về đới sống hàng ngày dần phân chức. Bắc Tề bắt đầu lập "sử quán" (hay gọi là sử các), là cơ cấu chuyên môn viết sử, ảnh hưởng đến chế độ viết sử công quyền của Trung Quốc sau này. Tây Ngụy và Bắc Chu cũng đặt "trứ tác quan". Các triều Nam Bắc cũng có đại thần giám sát việc viết sử.[114] Ngoài ra, thời Lương bắt đầu soạn viết "thực lục" Vũ Đế, Nguyên Đế; sang thời Đường thì bắt đầu việc các triều đại kế tiếp nhau cho viết thực lục.[115]

Sách sử phân đại theo "kỷ truyện thể" chiếm vị trí đứng đầu trong sử học Nam Bắc triều. Tác phẩm do quan lại biên soạn có "Tống thư" của Thẩm Ước, "Nam Tề thư" của Tiêu Tử Hiển, "Ngụy thư" của Ngụy Thâu.[116] do cá nhân biên soạn có "Hậu Hán thư của Phạm Diệp.[117]

Sách sử phán ánh các loại tình cảnh trong xã hội cũng thịnh hành vào thời Nam Bắc triều, như trong "Hậu Hán thư" của Phạm Diệp, "Tống thư" của Thẩm Ước có thêm các loại truyện ký "độc hành", "dật dân" (hoặc "ẩn dật"), "liệt nữ" với các loại diện mạo nhân vật; sử tịch tôn giáo có "Cao tăng truyện" của Huệ Kiểu,[118] thuật về kiến trúc tự viện có "Lạc Dương Già lam ký" của Dương Huyễn Chi;[118] về địa lý có "Thủy kinh chú" của Lịch Đạo Nguyên, là tác phẩm kết hợp từ những kiến thức vào thời Nam Bắc triều.[119] Lịch sử dân tộc phi Hán do các tộc Ngũ Hồ kiến lập chính quyền mà được xem trọng, thành tựu khá cao có "Thập lục quốc Xuân Thu" của Thôi Hồng, "Tam thập quốc Xuân Thu" của Tiêu Phương.[120]

Phả học do ảnh hưởng của chính trị môn phiệt thời Nam Bắc triều nên một thời rất thịnh. Các hào tộc muốn củng cố địa vị xã hội và quyền lực chính trị nên soạn viết gia phả, nhằm thể hiện huyết thống, môn đệ, hôn nhân và làm quan. Sau khi xuất hiện gia phả, lại có nghiên cứu gia phả học, đương thời xuất hiện các thư tịch như "Thống phả" hay "Bách gia phả".[121]

Ngành chú sử thời Nam Bắc triều có đại biểu là "Tam quốc chí chú" của Bùi Tùng Chi, chú trọng vào tư liệu sưu tập được để bổ sung vào sử sự, không còn giới hạn trong việc chú giải chỉnh âm và giải thích sử văn, có ảnh hưởng tương đối với phương pháp chú sử Trung Quốc. Bùi Tùng Chi khảo đính tương đồng và khác biệt giữa các sử liệu để tìm ra sự thực, các sử gia sau này kế thừa, như Tư Mã Quang soạn "Tư trị thông giám khảo dị". Bùi Tùng Chi cũng bình luận về sử gia đời trước, điều này thúc đẩy sự phát triển của ngành phê bình sử học Trung Quốc.[122]

Tôn giáo

Tượng Phật Di-lặc thời Bắc Ngụy, đúc năm 443.

Trong thời kỳ này, Phật giáo-Đạo giáo dần dần trở thành tôn giáo chủ lưu, đồng thời cạnh tranh với huyền học. Phật giáo vào thời Nam Bắc triều có sự phát triển sôi nổi, thoát khỏi cảnh gian khó phải phụ thuộc vào Nho giáo và Đạo giáo ở tiền triều, thời kỳ Bắc Ngụy-Lưu Tống bắt đầu thịnh hành, đồng thời dần dần Trung Quốc hóa, tín ngưỡng Bồ Tát đương thời hết sức phổ biến trong dân chúng. Đương thời, Phật giáo dần sản sinh ra các tông phái, trong đó nổi danh là Tam luận tông, Niết bàn tông, Thiên Thai tông, Luật tôngThiền tông. Nến tảng của Tam luận tông được xây dựng nên bởi Tăng Triệu, Liêu Dông Tăng Lãng, Hưng Hoàng Pháp Lãng, Mao Sơn Đại Minh, Cát Tạng đại sư thời Nam Bắc triều. Tông phái này dựa vào tam luận: "Trung luận", "Thập nhị môn luận", "bách luận" do Cưu-ma-la-thập dịch để lập tông, do vậy có tên là Tam luận tông. Tư tưởng của Tịnh độ tông chủ yếu dựa vào "Vãng sinh luận", đại biểu của phái này là Đàm Loan đề xướng tư tưởng "tha lực", "dịch hành". Đối với Niết bàn tông, "Thập địa kinh luận" do Lặc-na-ma-đềHuệ Quang hình thành, cùng với "Đại bàn niết bàn kinh" (bắc thể) do Đàm-vô-sấm phiên dịch, sau khi truyền đến Nam triều thì được phát triển rộng rãi. Luật tông bắt nguồn từ việc Pháp Hiển, Huệ Quang ở Bắc triều tập trung nghiên cứu và truyền lại giới luật Phật giáo, nghiêm túc thi hành giới quy Phật giáo mà mang tên như vậy. Thiên thai tông là tông phái Phật giáo Trung Quốc được sáng lập sớm nhất, thủy tổ Trí Nghĩ chủ yếu dựa theo Diệu pháp liên hoa kinh, do vậy còn được gọi là "Pháp Hoa tông". Tông phái này chủ trương "thực tướng" và "chỉ quan", lấy "thực tướng" xiển minh lý luận, dùng "chỉ quan" chỉ đạo thực tu. Thiền tông Đạt-ma chủ trương "giáo ngoại biệt truyền, bất lập văn tự", đề xướng dùng tâm tu thiện, sau khi xuất thế cần phải độ hóa người khác.[123] Thiện pháp của Đạt-ma giản minh thâm nhập.[124] Cùng với Bảo Chí thiền sư, Phó đại sĩ gọi chung là "Lương tam đại sĩ". Sự phát triển cao độ của Phật giáo cũng dẫn đến việc chính phủ ức chế, Nho giáo và Đạo giáo kịch liệt đả kích. Do có nhiều tự viện và tăng lữ, khiến triều đình bị giảm số thuế và nguồn binh thu được, các nước bắt đầu hạn chế số người theo tín ngưỡng Phật giáo và đánh diệt Phật giáo.[125] Trong đó, phong trào diệt pháp thời Bắc Ngụy Thái Vũ Đế và Bắc Chu Vũ Đế là nổi danh nhất, cùng với phong trào tương tự dưới thời Đường Vũ Tông được gọi chung là "Tam Vũ diệt Phật". Phật giáo sang thời Lưu Tống càng được nhân sĩ sùng tín, dẫn đến việc tranh luận với Nho giáo và Đạo giáo trên nhiều vấn đề khác nhau, như "chân ngụy của tam thế nhân quả", "tinh thần diệt hay bất diệt", "Phật còn sống hay không". Cùng với sự truyền bá của Phật giáo, nghệ thuật Phật giáo phát triển chưa từng thấy, với các tượng Phật, bích họa, tự viện hang đá. Trong đó, hang Mạc Cao, hang đá Vân Cương, hang đá Long Môn, hang đá Mạch Tích Sơn trở thành những báu vật trong kho tàng nghệ thuật tạo tượng Trung Quốc.[126]

Bia đá Đạo giáo làm từ đá vôi, thời Bắc Chu

Đạo giáo cải cách đạt được nhiều thành tựu, Khấu Khiêm Chi vào cuối thời Ngũ Hồ thập lục quốc chịu ảnh hưởng của Linh Bảo ở Đông Tấn, chế tác các kinh như "Vân Trung âm tụng tân khoa chi giới", với hơn 80 quyển. Khấu Khiêm Chi đối với Đạo giáo tiến hành cải cách với nguyên tắc chung "lấy lễ độ làm đầu", trừ bỏ ngụy pháp Ngũ Đấu Mễ Đạo Tam Trương (Trương Lăng, Trương Hành, Trương Lỗ), các loại "thu tiền gạo" và "nam nữ hợp khí". Nghiêm ngặt thực hiện trai giới lễ bái, khiến tổ chức của Đạo giáo thêm chặt chẽ, khuôn phép và lễ tiết thêm hoàn thiện, khiến Đạo giáo "chuyên lấy lễ độ làm đầu, và còn lấy phục thực bế luyện".[127] Do cải cách của Khấu Khiêm Chi, không chỉ sáng lập ra quy mô cơ bản mới cho Đạo giáo trên các mặt tôn chỉ, tổ chức, kinh đạo, trai nghi; mà còn khiến quân chủ Bắc triều và sĩ tộc Hán cùng Tiên Ti gia nhập Đạo giáo. Đạo giáo phát triển đến các tầng lớp xã hội, từng trở thành quốc giáo của Bắc triều. Lư Sơn đạo sĩ Lục Tu Tĩnh thời Lưu Tống lại thu thập các điển tịch Đạo giáo trước đó, tham khảo nghi lễ đương thời của Phật giáo, cải cách Thiên Sư đạo ở Nam triều, chủ yếu thể hiện trong "Lục tiên sinh đọa môn khoa lược" của ông. Cải cách của Khấu Khiêm Chi và Lục Tu Tĩnh khiến cho giáo quy và nghi phạm của Đạo giáo dần định hình. Sau đó, Đào Hoằng Cảnh kế tục hấp thu tư tưởng của Nho giáo và Phật giáo, bổ sung thêm nội dung cho Đạo giáo, xây dựng phả hệ thần tiên Đạo giáo, tự thuật Đạo giáo truyền thụ lịch sử, chủ trương Tam giáo hợp lưu, có ảnh hưởng rất lớn đối với sự phát triển sau đó của Đạo giáo.[128] Ông dung hợp Kim Đan đạo giáo của Cát Hồng, Thượng Thanh kinh đạo của Dương Hy, và Nam Thiên sư đạo của Lục Tu Tĩnh, khai sáng ra Mao Sơn tông.

Tại Bắc Ngụy, còn có Hiên giáo, tức Hỏa giáo, là quốc giáo của đế quốc Ba Tư cổ đại. Tư tưởng của Hiên giáo thuộc nhị nguyên luận (có thần quang minh và thần hắc ám), chủ thần được gọi là "Hồ Thiên", kinh điển chủ yếu là "Avesta". Hiên giáo chủ yếu do người Túc Đặc đến từ Tây Vực truyền bá, đương thời các nước Tây Vực đều tin theo Hiên giáo, một bộ phận hoàng thất Bắc triều cũng tin theo, Linh thái hậu của Bắc Ngụy cúng tế thần "Hồ Thiên".[129]

Nghệ thuật

Thiên lộc đá, đá khắc tại Cảnh An lăng của Nam Tề Vũ Đế

Thời kỳ Nam Bắc triều, nghệ thuật hưng thịnh, Nam triều lấy hội họa là chính, Bắc triều lấy điêu khắc tạc tượng làm chính.[130] Sự thịnh hành của điêu khắc ở Bắc triều có quan hệ với sự phổ biến của Phật giáo. Một lượng lớn chùa được xây dựng, bất luận là làm từ gỗ, gạch, hay kiến tạo trong hang đá đều có các tượng Phật điêu khắc lớn nhỏ. Về điêu khắc tượng Phật trong hang đá, trứ danh có hang Mạc Cao Đôn Hoàng bắt đầu được tạo vào năm 366 dưới thời Tiền Tần, hang đá Mạch Tích Sơn bắt đầu được tạc vào năm 384 thời Hậu Tần, trong thời Bắc Ngụy Hiếu Văn Đế lại bắt đầu tạc hang đá Vân Cương, hang đá Long Môn; thời Bắc Tề Văn Tuyên Đế thì bắt đầu tạc hang đá Thiên Long Sơn.[126] Nghệ thuật hang đá thể hiện tính hùng vĩ nhất là tại 20 hang tượng của quần thể hang đá Vân Cương. Dung mạo của tượng Phật phong mãn, hai vai khoan hậu, đường nếp gấp áo quần được khắc có cảm giác ôm khít thân hình, trong trang nghiêm có vẻ thân ái, biểu hiện cho tấm lòng bao dung của Phật. Công nghệ điêu khắc tốt nhất được thể hiện ở 259 hang tượng của quần thể hang Mạc Cao, thể hiện thần thái đang mỉm cười, tạo ra mĩ cảm điềm tĩnh. Các tàn tượng đắp bằng bùn được khai quật từ nền tháp chùa Vĩnh Ninh ở Lạc Dương là tinh tế nhất, diện mạo đầy sức sống. Hang đá Thiên Long Sơn lại là đại biểu cho văn hóa Phật giáo Bắc Tề, với "Mạn Sơn các" và "Cửu Liên động" nổi danh.[131] Tập hợp tháp Phật Ấn Độ và lầu tháp triều Hán làm cơ sở để dựng nên các mộc tháp, đương thời đó là sự phát triển kiến trúc quan trọng. Tư tưởng Nho giáo và Đạo giáo Trung Quốc bản địa cũng cung cấp cho nghệ thuật các chủ đề mới, phong cách mới. Tư tưởng Nho giáo phần nhiều là kết hợp hiếu đạo, nhà nghệ thuật Đạo giáo lại thiên về cảnh tự nhiên sơn thủy và truyền thuyết dân gian. Nghệ thuật thế tục truyền thống cũng xuất hiện biến hóa, đặc biệt thể hiện trên phương diện hội họa. Công nghệ làm đồ gốm ở phương nam có tiến triển đáng kể, nổi danh nhất là "Việt từ" men lục của "Việt điêu". "Việt điêu" (tức gốm sứ vùng Quảng Đông) dùng rất bền, thậm chí còn được bán ra hải ngoại, xa đến Ai Cập, Philippines. Lục triều cũng là thời kỳ Trung Quốc xuất hiện việc văn nhân họa gia, thư pháp gia, những nhân vật quan trọng tiến hành thu thập tác phẩm nghệ thuật, phê bình văn học nghệ thuật cũng có sự phát triển.[132]

Một phần tháp phiến ngụy bi "Nguyên Hoài mộ chí"

Về đá khắc lăng mộ Nam triều, lăng mộ các đời đế vương, quý tộc ở phía trước có cột đá, bia đá, thú đá. Thú đá còn gọi là "tị tà" (避邪), do tạo hình sư tử diễn biến mà thành, mang hàm ý trừ tà, cầu phúc hoặc thăng thiên. Trong đó, thiên lộc trước lăng Nam Tề Vũ Đế và kỳ lân trước lăng Nam Tề Cảnh Đế là những đại biểu mang tính đại diện nhất[133] Phong cách của chúng kế thừa điêu khắc thú đá thời Hán, giỏi về việc tận dụng chỉnh sửa khối đá, dùng thủ pháp tẩy luyện để biểu hiện khí thế hùng vĩ.[126]

"Tuyết sơn hồng thụ đồ" của Trương Tăng Do.

Về hội họa, tranh sơn thủy Trung Quốc cổ đại nổi lên vào thời Nam Bắc triều. Do ảnh hưởng kết hợp từ huyền học, tự nhiên quan Lão Tử-Trang Tử và cảnh sơn thủy Giang Nam tú lệ, khiến hội hoa thoát ly hạn chế của Nho học, phát triển theo phương hướng thuần nghệ thuật, họa gia nổi danh có Lục Tham Vi thời Lưu Tống và Trương Tăng Do thời Lương. Rồng do Trương Tăng Do vẽ được đánh giá là phi thường thần diệu, câu "họa long điểm tình" bằng nguồn từ họa công của ông. Trương Tăng Do một đời khắc khổ học tập, vẽ nên các danh tác như "Ngũ tinh nhị thập bát túc thần hình đồ", "Tuyết sơn hồng thụ đồ". Do sự xuất hiện của thơ sơn thủy, khiến truyền thống lấy biểu hiện nhân vật làm chính trong một thời gian dài này chuyển biến thành cảnh sắc sơn thủy.[134] Tông Bỉnh thời Lưu Tống là nhà sáng tác lý luận tranh sơn thủy sớm nhất của Trung Quốc, tác phẩm "Họa sơn thủy tự" của ông là nổi danh nhất, ngoài tinh thông địa lý "sơn thủy lấy hình mị đạo" ra, trong khi quan sát sơn thủy tự nhiên, quy nạp ra phương pháp hội họa thể hiện vật thể xa gần.[135] Họa gia tranh sơn thủy Vương Vi thời Lưu Tống, với tác phẩm "Tự họa", nhấn mạnh quan sát tự nhiên cùng chủ động biểu hiện quan điểm và cảm tình của cá nhân. Tiêu Bí thời Lương thể hiện ra cảm nhận cự ly không gian xa gần. Lý luận hội họa vào thời kỳ này đã thành thục, như Tạ Hách thời Nam Tề soạn ra tác phẩm kinh điển quan trọng "Cổ họa phẩm lục", đề ra "lục pháp luận" hội họa- sáu phép căn bản của hội họa cổ điển Trung Hoa- cùng hai bộ phận họa phẩm. Ông đề xuất tác phẩm hội họa chiếu theo sáu pháp, không chỉ giới hạn ở vẽ nhân vật, có ảnh hưởng rất lớn đối với hậu thế. Trong đó, lý luận "khí vận sinh động" (sắc thái và không khí sống động như thật) được các bình gia hội họa tôn là trình độ cao nhất.

Ngụy-Tấn-Nam-Bắc triều là thời kỳ phát triển thanh xuân của khải thư, trong đó bia khắc là kho tàng về khải thư. Bia khắc Bắc triều có chữ khắc được gọi là thư pháp "Ngụy bi", có dũng khí hùng hồn, phong cách chất phác mộc mạc, thể thái nhiều biến đổi. "Long Môn nhị thập phẩm" là chỉ việc trong hang đá Long Môn phát hiện được 20 văn tự ghi chép ở nơi tạo tượng, các tác phẩm này được nhận định là đại biểu của thư pháp "Ngụy bi" thời Bắc Ngụy. "Trương Mãnh Long thiếp" được những nhà thư pháp tôn sùng, thành tựu vượt quá các tác phẩm thời Đường. "Trịnh Văn Công bi" là tác phẩm của nhà thư pháp Trịnh Đạo Chiêu thời Bắc Ngụy, các nhà thư pháp Âu Dương TuânNgu Thế Nam thời Đường đều chịu ảnh hưởng sâu sắc. Ngoài ra còn có nhiều minh văn được ghi trên mộ như "Thạch môn minh". Ở Nam triều có các bia nổi danh như "Thoán long nhan bi", "Ế hạc minh".[130]

Hang đá Vân Cương tại Đại Đồng, Sơn Tây.
Hang đá Long Môn tại Lạc Dương, Hà Nam.
hang Mạc Cao tại Đôn Hoàng, Cam Túc.
hang đá Mạch Tích Sơn tại Thiên Thủy, Cam Túc.